Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành

Lượt xem:

Đọc bài viết

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn Giáo dục công dân là bộ môn học chính trong chương trình giảng dạy để tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được ban hành theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, môn Đạo đức được dạy ở cấp tiểu học (35 tiết/năm học); môn Giáo dục công dân được giảng dạy từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông (35 tiết/năm học).

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới[1], giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh được thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, trong đó môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở trung học cơ sở gọi là môn Giáo dục công dân, ở trung học phổ thông gọi là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) đóng vai trò quan trọng.

Chương trình Giáo dục công dân được dạy xuyên suốt cả 3 cấp học. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), môn Đạo đức và Giáo dục công dân là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông), môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh với thời lượng 70 tiết/năm học.

Mục tiêu của môn Giáo dục công dân là giúp học sinh hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực của người công dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở tiểu học, môn Đạo đức giúp học sinh hình thành và phát triển cảm xúc tích cực, ý thức đúng đắn về những chuẩn mực hành vi đạo đức; cách cư xử, thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập và sinh hoạt phù hợp với giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức, quy tắc của cộng đồng, quy định của pháp luật, quy luật của tự nhiên và xã hội.

Ở trung học cơ sở, môn Giáo dục công dân giúp học sinh có ý thức tự điều chỉnh, tự hoàn thiện bản thân; hình thành, duy trì mối quan hệ hoà hợp với những người xung quanh; thích ứng một cách linh hoạt với xã hội biến đổi và thực hiện mục tiêu, kế hoạch của bản thân trên cơ sở các giá trị đạo đức, quy định của pháp luật.

Ở trung học phổ thông, dựa trên những kiến thức cơ bản, cốt lõi, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông về kinh tế và pháp luật, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật giúp học sinh có được tình cảm, nhận thức, niềm tin và bản lĩnh phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật; có được năng lực thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; có kỹ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.


[1] Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo